13 chiến sĩ mất liên lạc khi cứu nạn thủy điện Rào Trăng 3

Đến sáng 13-10, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã liên lạc được tám cán bộ, chiến sĩ và đang tiếp tục tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ khác đang mất liên lạc khi vào thủy điện Rào Trăng 3 cứu nạn.

Trưa 13-3, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh VP UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết vẫn chưa liên lạc được với 13 cán bộ, chiến sĩ đang mất liên lạc khi đi cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.

Hiện Bộ Tư lệnh khu 4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ .

Theo thông tin ban đầu, sáng 12-10, đoàn công tác của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và quân khu 4 đã xuống xuồng chuyển lương thực cứu trợ cho bà con vùng lũ hai huyện Hương Trà, Phú Vang.

Khoảng 13 giờ cùng ngày, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn mười lao động ở thủy điện Rào Trăng 3, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Đoàn công tác của UBND tỉnh và Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế, Thượng tá Ngô Nam Cường chỉ đạo cán bộ chiến sĩ lập tức lên đường tìm kiếm, cứu nạn.

Đến 16 giờ, đoàn đến khu vực rừng núi có công trình thủy điện Rào Trăng 3. Phó Tư lệnh quyết định đi bộ vượt suối, băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn.

Do mưa lũ, sạt lở, thêm suối chảy bất thường nên đi lại rất khó khăn, Đoàn đã bám đá, bò đường để trườn qua những điểm sạt lở. Khi gần đến điểm sạt lở, quả đồi bên đường bất ngờ sạt xuống khu vực đoàn đang nghỉ tại Trạm kiểm lâm số 7.

Ngay khi nhận tin báo, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế lập tức điều động lực lượng cứu hộ. Đến sáng nay, đã liên lạc được tám người, còn 13 người vẫn chưa liên lạc được.

Hiện Bộ Tư lệnh Quân khu 4, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đang tăng cường tìm kiếm số cán bộ, chiến sĩ đang mất tích.

Trước đó, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế nhận tin báo có vụ sạt lở đất, vùi lấp khu nhà đang có hơn 10 công nhân đang thi công ở Thủy điện Rào Trăng 3. Khu vực này ở núi cao, khó đi. Người báo tin phải trèo lên đỉnh núi mới có sóng để gọi điện.

Ngay sau khi nhận tin, đoàn công tác của quân khu 4 do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh quân khu bốn cùng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Thừa Thiên Huế lên đường vào rừng tìm kiếm cứu nạn.

Đến thời điểm này, thông tin ban đầu cho biết số công nhân bị mất tích ở đây lên đến 17 người, chứ không phải là 10 người như ban đầu.

Trong ngày 13-10, rất nhiều xe cơ giới hạng nặng cùng các loại máy xúc đang mở đường lên Rào Trăng 3. Đến 10 giờ 30 phút ngày 13-10, các lực lượng vẫn chưa tiếp cận được hiện trường do lượng đất đá sạt lở rất lớn cộng thêm nước suối dâng cao.

Hiện, tại khu vực Thủy điện Rào Trăng 3, còn 30 người chưa liên lạc được, gồm 17 công nhân thi công thủy điện và 13 người thuộc đoàn cứu hộ của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Quân khu 4.

Trong đêm 12/10, lực lượng Quân khu 4, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên Huế và đoàn công tác của UBND tỉnh gồm hơn 20 người đi bộ để tiếp cận vị trí thủy điện trên, nhằm xác minh thông tin.

Lúc 23h ngày 12/10, đoàn tiếp cận báo về còn cách thủy điện Rào Trăng 3 khoảng 3 km. Tuy nhiên do thời tiết xấu, trời tối và địa hình sạt lở nên việc tiếp cận gặp khó khăn. Do đêm khuya, mưa lớn nên đoàn quyết định vào Trạm Kiểm lâm số 7 thuộc tiểu khu 67 (đóng trên đường di chuyển) nghỉ ngơi để sáng sớm tiếp tục lên đường.

Tuy nhiên, giữa đêm đã xảy ra một vụ sạt lở đất tại vị trí hai căn phòng của lực lượng cứu hộ đang nghỉ. Sau đó, chỉ một số trong hơn 20 người may mắn thoát ra khỏi hiện trường vụ sạt lở và quay về. Nhiều người còn lại trong đó có Phó tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man cùng 12 cán bộ, chiến sĩ đang mất liên lạc.