Đề nghị quản lí giao thông thủ đô qua các thời kì

Sưu tầm (chỉ mang tính chất giải trí) Do not take it seriously!
Đề nghị thêm kênh “Nụ cười”

Sử gia Ngô Sĩ Diện, cháu nhiều đời của hàng xóm nhà sử gia Ngô Sĩ Liên, chia sẻ cùng Tin Khó Tin nghiên cứu lịch sử sau đây về chính sách giao thông tại Hà Nội:

Năm 2012: Dự thảo cấm ô tô 5 ngày trong tuần, [5 giờ mỗi ngày.] Các phương tiện đang bị cấm bao gồm xích lô (trừ xe du lịch), xe kéo, xe đạp đôi. Sâm cầm hồ Tây và các hồ khác ở Hà Nội đề đạt cấm cả xe đạp vịt phối hợp, nhưng chưa được xét duyệt.

Năm 1972: Cấm máy bay trên bầu trời Hà Nội. Một số đại gia chơi ngông nhập siêu máy bay từ Mỹ về đã bị cảnh sát giao thông quản lí không phận bắn hạ mang về đồn. (Hiện vật vẫn còn tại khu vực bảo tàng không quân.)

Máy bay Mỹ: Vi phạm quy chế quản lí giao thông hàng không của Hà Nội, bị lấy ra làm gương cho các thế hệ mai sau

Năm 1954: Người Pháp cấm xe tăng và xe tải vào thành phố với lí do xe quá tải trọng có thể làm sập cầu đường. Lệnh cấm không có hiệu lực do thời điểm cấm trùng với thời điểm nhiều người, đặc biệt là các chiến sĩ, cần phải về thủ đô đi học, đi làm, vv.

Năm 1882: Hoàng Diệu ra lệnh cấm thuyền chiến trên sông Hồng do thuyền chiến quá to gây tắc sông và đâm thủng các tàu nhỏ hơn, dẫn tới thiệt hại lớn về người và của. Lệnh cấm thất bại do tàu chiến quá đông trong khi lực lượng quản lí giao thông quá mỏng.

Nguyễn Huệ và thuộc hạ phóng ngựa chiến với tốc độ cao gây ách tắc giao thông khu vực nội thành

Năm 1798: Nguyễn Huệ dẫn cả vạn quân đi bộ, đi ngựa, thậm chí cả đi xe vào thẳng khu gò Đống Đa nằm trong trung tâm thành phố, gây ách tắc dẫn tới việc nhiều du khách Trung Quốc không ra được khỏi thành phố, mà không bị ai cấm đoán gì.

Năm 1428: Lê Lợi cưỡi siêu thuyền rồng quá trọng tải và quá kích cỡ cho phép vào hồ Gươm ở chính giữa thủ đô, bị cụ Rùa phạt mất một gươm thần.

Lê Lợi trả gươm thần, nộp bằng lái thuyền rồng vì đã dám cưỡi thuyền vào khu nội thành trong giờ cao điểm

Năm 1010: Thời đó ở thành Đại La đường ít, sông nhiều, trong khi đó dân chưa đông nên mật độ thuyền bè đi lại còn thấp. Lý Công Uẩn cưỡi siêu thuyền rồng đời đầu vào đến giữa thành phố mà không bị tắc đường sông, cũng không phải đóng phí lưu thông, bèn lập Đại La làm kinh đô, đổi tên thành Thăng Long. Từ đó trở đi dân tứ xứ đều đổ về thủ đô lập nghiệp, giao thông thủ đô ngày một ách tắc hơn trước.