Đại chiến đầm Thị Nại 1801

image
TP Quy Nhơn và Đầm Thị Nại hiện tại.

Năm 1792 Hoàng đế Quang Trung lâm bệnh và đột ngột qua đời ở tuổi 39. Sau cái chết của ông cơ nghiệp nhà Tây Sơn không có người thừa kế xứng đáng, Việc mâu thuẫn không chỉ trong nội bộ Hoàng tộc mà cả nội bộ tướng lĩnh cũng mâu thuẫn lẫn nhau dẫn đến nhà Tây Sơn suy yếu nhanh chóng.

Vốn có mối thù sâu đậm với nhà Tây sơn, Nên nhân cơ hội nội bộ triều đình nhà Tây Sơn lục đục Nguyễn Ánh ra sức mở các đợt tấn công ra Quy Nhơn. Một trong những trận đại chiến lớn nhất phải kể đến là Trận Thủy chiến đầm Thị Nại, đây được xem là trận Xích Bích của Đại Việt ở thế kỉ 19. Trận đại chiến này diễn ra tại Đầm Thị Nại giữa thủy quân Tây Sơn và thủy quân Gia Định của Nguyễn Ánh vào năm 1801. Đây cuộc chiến mang tính lịch sử với sự thay đổi cục diện và tương quan sức mạnh giữa 2 thế lực mạnh nhất lúc bấy giờ.

Thị Nại là đầm lớn nhất của Bình Định có diện tích khoảng 5.000 ha với bề rộng khoảng 4 km, trải dài hơn 10 km. . Nước đầm thông với biển bằng một cửa hẹp có tên cửa Giã( cửa biển), mà sau này người ta quen gọi là cửa Thị Nại.

  • Bối cảnh diễn ra cuộc chiến

Năm 1800, quân Tây Sơn với 5 vạn quân cùng đại bác dưới sự chỉ huy của tướng quân Trần Quang Diệu đã tiến đến bao vây thành Quy Nhơn, Trần Quang Diệu cho đắp lũy dài với chu vi hơn 4.000 trượng bao bọc thành Quy Nhơn. Quân Nguyễn do Võ Tánh và Ngô Tùng Châu chỉ huy quyết giữ thành và cho người báo tin về Gia Định.

Nguyễn Ánh nhận tin liền đến cứu thành Quy Nhơn. Quân Nguyễn quyết định đánh thủy quân Tây Sơn ở đầm Thị Nại trước, sau đó giải vây cho thành Quy Nhơn. Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc chiến này.

  • Lực lượng 2 bên

Thời ấy thủy quân đã tạo nên sức mạnh giúp Tây Sơn hùng bá thiên hạ. Các tướng của thủy binh Tây Sơn đều là đô đốc. Đầm Thị Nại có cửa hẹp thông ra biển là nơi thủy quân Tây Sơn chọn làm đại bản doanh, tập trung hết sức mạnh thủy quân Tây Sơn.

Nơi đây tập trung gần 2.000 tàu chiến Tây Sơn, trong đó có 3 chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu hiện đại không kém gì các chiến hạm phương Tây thời đó, mỗi chiến hạm trang bị 60 đại bác.
Tại cửa vào đầm Thị Nại, nhiều khẩu pháo hạng nặng được đặt trên hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai, tạo thành thế phòng thủ vững chắc cho quân Tây Sơn. Nơi đây tập trung 24.000 quân Tây Sơn do Vũ Văn Dũng chỉ huy.

Quân nhà Nguyễn nổi bật có 4 chiến hạm hết sức hiện đại kiểu phương Tây, dù không được bằng quân Tây Sơn, gồm Phụng Phi có 26 đại bác, Long Phi có 32 đại bác, Bằng Phi có 26 đại bác, một chiến hạm không rõ, mỗi chiến hạm có trên 300 người.

image
Bố cục phòng thủ Đầm Thị Nại của Nhà tây Sơn

image
Bố cục quân Lực 2 bên Nhà Tây Sơn và Quân Nguyễn Ánh

  • Diễn biến cuộc chiến

Đầu tháng Giêng năm Tân Dậu 1801, gió Nam thổi mạnh, quân nhà Nguyễn lên kế hoạch tiến đánh. Đầm Thị Nại có cửa hẹp được trang bại trận địa pháo ở hai bên, để tiến vào trong đầm quân Nguyễn phải tiêu diệt trận địa pháo này, đồng thời cho đội quân tiên phong vào trước.

Quân tiên phong của nhà Nguyễn đã bắt các thuyền tuần tra Tây Sơn phía ngoài để lấy thông tin và mật lệnh, sau đó cho 18 thuyền chất đầy hỏa khí do Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương chỉ huy giả làm quân Tây Sơn dùng mật lệnh lấy được vượt qua các cửa kiểm soát đi vào bên trong.
Đêm ngày 27/2/1801, quân Nguyễn phát động tấn công vào hạm đội tây Sơn đang đóng chặn ngang cửa biển (gồm 3 tàu Đại Hiệu và hơn trăm thuyền chiến). Quân Nguyễn đánh chiếm rồi đốt cháy đồn Hổ Cơ làm hiệu.

Tại cửa phía bên trái đầm Thị Nại, Lê Văn Duyệt cho một cánh quân gồm 26 tàu Galley bắn vào các tháp canh và ụ pháo quân Tây Sơn tại pháo đài canh giữ cửa.

Phía bên phải, một cánh quân đổ bộ lên núi Tam Hòa tấn công trận địa pháo ở đây. Tuy nhiên cánh quân này gặp phải chiến lũy kiên cố của quân Tây Sơn nên thất bại và bị thiệt hại nặng nề.

Tướng Vũ Văn Dũng phía Tây Sơn biết tin liền cho 30 tàu chiến tiếp ứng cho quân canh cửa vào đầm Thị Nại ở Bãi Nhạn. 30 tàu quân Tây Sơn nhắm vào 26 tàu Galley của quân Nguyễn tấn công.

Nguyễn Ánh lệnh cho tướng quân Võ Di Nguy đưa quân tiên phong tiếp ứng, đồng thời cánh quân bên trái cũng nhắm vào tàu chiến Tây Sơn mà bắn. 30 tàu chiến Tây Sơn bị chặn đứng và lần lượt bị tiêu diệt.

  • Tổng tấn công

Lúc này pháo đài phòng thủ bên trái của quân Tây Sơn bị đánh bại, nhưng trận địa pháo của quân Tây Sơn bên phải có nhiệm vụ giữ cửa đầm, sau khi đánh bại quân đổ bộ nhà Nguyễn, vẫn sẵn sàng nhả đạn nếu quân Nguyễn tiến vào trong đầm.

Dù thế, tướng quân Võ Di Nguy vẫn chỉ huy đội tiên phong tấn công thẳng vào trong đầm. Phía sau, thủy quân Nguyễn Phúc Ánh cũng tổng tấn công vào đầm Thị Nại.

Trận địa pháo của quân Tây Sơn trên núi Tam Hòa nhả đạn liên hồi, phía trong đầm ba chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu với 60 khẩu đại bác mỗi chiếc liên tục nhả đạn, các chiến thuyền khác của Tây Sơn cũng bắn liên tục vào quân Nguyễn.

image
Súng Thần Công dùng để phòng thủ của quân Tây sơn được trưng bày tại bảo tàng Bình Định


Súng Thần công dùng trong trận chiến của quân Tây Sơn tại Bảo Tàng

Tiếng đại bác gầm vang như xé trời, đạn bay ầm ầm thật kinh hãi. Tướng Võ Di Nguy xông lên bị đại bác bắn bay mất đầu, khiến cho binh lính chững lại định rút lui, Lúc này tướng quân Lê Văn Duyệt ra lệnh chém một viên tướng mới thúc được quân tiến lên, rốt cuộc đánh vào được cửa biển, bèn xua hỏa thuyền tiến vào đốt cả tàu lẫn thủy trại cuộc chiến hai bên lúc đó thật kinh hoàng.

Trận đánh kéo dài 3 giờ sáng đến giữa trưa Nguyễn Phúc Ánh thấy diễn biến bất lợi, binh sĩ tử trận nhiều liền cho người đến gặp Lê Văn Duyệt lệnh lui binh để bảo toàn lực lượng.

Thế nhưng lúc này gió Nam thổi rất to và thủy triều lên mạnh chạy vào trong đầm, đây là lợi thế rất lớn cho bên tấn công, Lê Văn Duyệt không muốn bỏ mất thời cơ nên quyết định không nghe theo lệnh mà tiếp tục lệnh cho toàn quân tiến lên.

Gió to cộng với thủy triều lên, nước tràn vào trong đầm cuốn theo các tàu của quân Nguyễn tiến rất nhanh. Lúc này Lê Văn Duyệt cùng 60 tàu chiến tiếp cận 3 chiến hạm Định Quốc Đại Hiệu, các chiến hạm này vốn là niềm kiêu hãnh và tự hào của quân Tây Sơn. Lê Văn Duyệt lệnh cho quân dùng đuốc hỏa chiến, lợi dụng chiều gió phóng thẳng vào chiến hạm Định Quốc của Tây Sơn.

Lửa bén vào chiến hạm cháy phần phật, lại có thêm sức gió, nên nhanh chóng cháy lan sang chiếc bên cạnh, quân Tây Sơn cố gắng nhưng không sao dập tắt lửa kịp. Ba chiến hạm Định Quốc bốc cháy và chìm dần xuống đầm Thị Nại.

Lúc này 18 thuyền của quân Nguyễn cải trang thành thuyền Tây Sơn đã lọt vào trong đầm trước đó cũng dùng hỏa công tấn công các tàu Tây Sơn. Đô đốc Trà chỉ huy quân Tây Sơn chống cự nhưng bị tử trận tại chỗ, hậu quân Tây Sơn bị rối loạn.

Thị Nại bỗng chốc biến thành biển lửa. Gió Nam khiến lửa bốc rất nhanh, các chiến thuyền của Tây Sơn neo gần nhau nên cứ cháy hết chiếc này đến chiếc khác. Lửa bốc to cháy khắp đất trời. Các tàu chiến của Tây Sơn cái thì nổ cái thì chìm, khung cảnh như tái hiện lại trận Xích Bích thời Tam Quốc xưa kia.

Lúc này ở trong Thị Nại 18 thuyền cải trang thành quân Tây Sơn của Nguyễn Văn Trương và Tống Phước Lương bị bao vây, nhưng Trương và Lương phá được vòng vây chạy lại phía cửa đầm cùng quân của Lê Văn Duyệt, cho quân đổ bộ lên núi Tam Hòa để đánh trận địa pháo tại đây.

Vũ Văn Dũng thua trận liền cùng khoảng 4.000 quân còn lại chạy lên bờ hợp cùng quân Trần Quang Diệu vây thành Quy Nhơn.

  • Kết thúc trận chiến

Quân Nguyễn thắng trận nhưng có 4.000 quân cùng Thủy sư Đô đốc Võ Duy Nghi tử trận. Phía quân Tây Sơn mất 20.000 quân, 1.800 tàu chiến, 600 đại bác đủ cỡ. Sau trận chiến, quân Nguyễn đã vớt được 500 đại bác cùng nhiều loại vũ khí khác.

Thất bại này khiến sức mạnh thủy binh Tây Sơn hầu như bị tiêu diệt, Tây Sơn coi như đã ở thế thua, do bộ binh có nhanh đến đâu cũng không theo kịp tốc độ tàu buồm. Quân Nguyễn chiếm được ưu thế tuyệt đối về độ cơ động, có thể đổ bộ ở bất cứ khu vực nào kể cả hậu phương của đối thủ. Sau trận chiến này quân Nguyễn đánh chiếm kinh thành Phú Xuân và sang năm sau (1802) thì Tây Sơn chính thức sụp đổ. Việc nhà Nguyễn thống nhất đất nước có thể nói là bắt nguồn từ trận Thủy Chiến Đầm Thị Nại Này.