Nga nghiên cứu sử dụng 'máu xanh' điều trị bệnh nhân COVID-19

Các nhà khoa học Nga đang nghiên cứu khả năng sử dụng máu nhân tạo trong điều trị các bệnh nhân COVID-19.

Chế phẩm được nhắc đến lúc này là Perftoran - một loại thuốc “bị quên lãng” sau khi được Viện Vật lý Y sinh thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô sáng chế và thử nghiệm vào những năm 1980, để có thể thay thế bất kỳ nhóm máu nào trong cơ thể.

nga-15882251299761777293206

Perftoran còn được gọi là “máu xanh” do có màu sắc như vậy. Với các thành phần có khả năng kích hoạt các tế bào hồng cầu có nhiệm vụ cung cấp oxy trong cơ thể. Các hạt “máu xanh” bé hơn 100 lần so với hồng cầu. Chúng có thể đưa oxy xuyên qua nơi mà các hồng cầu bị mắc kẹt do co thắt mạch máu hoặc huyết khối. Tính năng này, theo các nhà nghiên cứu, có thể giúp các bệnh nhân khi bị tổn thương phổi và mạch máu.

Hiện các nhà khoa học đang tìm hiểu hoạt động của Perftoran với các biến chứng do COVID-19. Theo ông Victor Moroz, Giám đốc Trung tâm khoa học lâm sàng liên bang về hồi sức và phục hồi chức năng, đã có ghi nhận ban đầu về khả năng phục hồi nhanh chức năng vận chuyển khí trong máu.

Perftoran là dự án “máu nhân tạo” của một tập thể các nhà khoa học từ hơn 40 cơ sở, 13 bộ ngành dưới thời Liên Xô vào những năm 1980. Chất thay thế máu này được thử nghiệm lần đầu tiên trong chiến tranh Afganistan để điều trị cho các quân nhân bị thương nặng vì mất máu.

Theo các nhà khoa học Nga, hiện công nghệ sản xuất “máu xanh” vẫn được lưu giữ tại Viện Vật lý Y sinh thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga. Tuy nhiên, chỉ đủ khả năng chế tạo cho việc tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm. Còn để khôi phục sản xuất công nghiệp “máu xanh” cần đến một sự đầu tư rất lớn.