Phần 1: Mạng xã hội, dữ liệu lớn và AI đang đè bẹp bộ não người

Trong nhiều năm, có rất nhiều các nhà viết sách, làm phim hay các chương trình truyền hình cố gắng kể về tương lai chung của tất cả chúng ta. Nếu bạn đã từng đọc hoặc xem qua một một số các chương trình này, bạn có thể có tự hỏi, khả năng tương lai sẽ ảm đạm hay tươi sáng đến mức nào?

Giờ thì hãy cho phép tôi dựa trên kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân cùng với hơn 2 tuần nghiền ngẫm các dự đoán của hàng chục cá nhân kiệt xuất (dù từ này cho vui chứ tôi cũng không rõ họ kiệt xuất thế nào) trên thế giới, vẽ nên một viễn cảnh tương lai mà tôi cho rằng nó sẽ xảy ra vì sự ảnh hưởng trực tiếp của công nghệ đang có mặt ở thời điểm hiện tại.

Điều hơi buồn là nó không hề sáng sủa một chút nào.

Phần 1: Sự nổi lên của mạng xã hội, dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo đè bẹp bộ não người, khiến mỗi người trở thành những nhân tố thiếu tích cực.

Trước tiên, thế nào là một “nhân tố tích cực”? Nhân tố tích cực là một định nghĩa đề cập đến một triết lý rằng các thành viên của các tổ chức, công ty hoặc quốc gia có vai trò và trách nhiệm nhất định đối với xã hội và môi trường, mặc dù các thành viên đó có thể không có vai trò quản lý cụ thể. Vậy các nền tảng cần thiết của một nhân tố tích cực là gì? Câu hỏi này dễ dàng được trả lời khi chúng ta tự trả lời 1 câu hỏi khác: Tại sao tất cả các nền dân chủ có tuổi bầu cử tối thiểu.

Vâng, vì trẻ em không trưởng thành, chưa đủ độc lập và/hoặc đủ khôn ngoan để thực hiện quyết định chính trị.

Đúng vậy, nền tảng để trở thành một nhân tố tích cực phụ thuộc rất nhiều vào sự trưởng thành về chính trị, có đầu óc độc lập và có khả năng đưa ra những đánh giá của riêng mình. Không may, rất không may, là công nghệ làm suy yếu cả ba thuộc tính để trở thành một nhân tố tích cực trong xã hội này.

Một trong những cách mà mạng xã hội đang ảnh hưởng đến đầu óc của các cá nhân là tạo ra phương tiện cho phép mọi người phán xét / bị phán xét công khai về mọi chủ đề lẫn từng con người. Điều này khuyến khích sự tự kiểm duyệt, không kích thích được sự tự phát triển tư duy chính trị.

Ví dụ điển hình, trên Facebook, nhiều người ngại nói lên suy nghĩ của mình vì họ sợ phải đối mặt với đám đông giận dữ, hoặc bị thu thập dữ liệu hoặc bị đánh giá bởi cấp trên trong công việc hoặc người trong gia đình. Đặc biệt là họ sợ điều họ nói trong hôm nay có khả năng trở lại và ảnh hưởng đến cuộc sống của chính họ trong tương lai.

Trong khi đó, các kỹ thuật thu thập dữ liệu ngày càng hiện đại, tinh vi và các thuật toán xử lý dữ liệu lớn giúp cho các thế lực có thể thao túng các nhóm, các tập thể số lượng lớn. Và công cụ nào đang giúp ích cho điều này? Đó là các hệ thống phân phối quảng cáo được cá nhân hóa, có thể nhắm trúng đích mục tiêu, lợi ích chính xác của mọi người và thậm chí là tâm trạng của từng cá nhân.

Nếu bạn làm trong ngành quảng cáo thì nói đến đây, có thể bạn đang mỉm cười và hiểu tôi đang nói gì. Nếu không, thì đây là ví dụ cho bạn dễ hiểu hơn vì sao công cụ quảng cáo này có thể phục vụ chính trị. Chẳng hạn, ai đó có thể cập nhật status trên Facebook về một cuộc gặp gỡ tồi tệ với một gã hay cô nàng người nước ngoài, thế là họ có thể bị nhắm mục tiêu bởi một quảng cáo chống nhập cư từ một chính trị gia nào đó đang chống lại luật nhập cư.

Tiến nhanh hơn một chút trong tương lai, chúng ta cũng có thể thấy một mối đe dọa mang tính hiện hữu hơn đối với các tố chất của một nhân tố tích cực cho xã hội: Trí tuệ nhân tạo (AI). Khi AI trở nên mạnh mẽ hơn, nó sẽ có thể đưa ra các quyết định ngày càng tốt hơn, khôn ngoan hơn và khôn ngoan hơn cả chúng ta. Do đó, chúng ta sẽ ngày càng nghi ngờ về khả năng đưa ra quyết định của riêng mình và dần dựa vào AI để thực hiện cho các quyết định trong cuộc sống của mỗi người.

Chúng ta đã thấy những cái nhìn thoáng qua về tương lai này với một nền tảng như iSideWith. Hệ thống này sẽ nói cho bạn biết bạn nên bỏ phiếu cho ai dựa trên những sở thích, đặc thù tính cách, hiểu biết, học vấn của bạn. Hàng triệu người Anh đã sử dụng ứng dụng này trong vài cuộc bầu cử gần đây, để cho một cái máy quyết định giúp họ rằng họ nên bầu ai vì họ nghĩ, nó có những phân tích tốt hơn để tạo ra lựa chọn tốt hơn là chính bộ não của họ.

Hết phần 1…