Tác nghiệp tại khu vực không có bảng cấm quay phim, chụp ảnh nhưng phóng viên của Zing bị yêu cầu xóa ảnh, clip và bị giữ lại viết biên bản khoảng 2 giờ.
Chiều 18/11, phóng viên Zing đến tác nghiệp tại khu vực bãi giữ xe ga quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất. Khu vực này thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần TCP.
Tại đây, sau khi quay phim và chụp ảnh, hai phóng viên của Zing bị giữ lại, yêu cầu xóa hình ảnh, clip và viết biên bản vì theo giám sát, khu vực này cấm quay phim, chụp ảnh.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, nơi đây không hề đặt biển báo cấm quay phim, chụp ảnh.
Phóng viên Zing bị giữ lại viết biên bản với TCP 2 giờ đồng hồ. Ảnh*: Quỳnh Danh.*Khi bộ phận giám sát yêu cầu phóng viên xóa hình ảnh, phóng viên không chấp nhận thì đơn vị này gọi một số công an đến.
“Công an đến và chúng tôi vẫn không chấp nhận xóa hình, yêu cầu nhà xe cho xem quy định cấm quay phim, chụp ảnh. Khoảng 10 phút sau khi đại diện bãi xe cho biết sẽ đi tìm quy định mà chưa thấy quay lại, công an cũng rời đi và nói chúng tôi ngồi chờ để làm việc tiếp với TCP”, phóng viên kể.
Zing có liên hệ với Công an quận Tân Bình và Công an của Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tuy nhiên, đại diện hai cơ quan này cho biết khu vực tác nghiệp thuộc quản lý của TCP.
Trong biên bản của TCP ghi nhận: “Hai người trên (phóng viên của Zing - PV) từ chối xóa hình ảnh, clip và yêu cầu được xem quy định. Sau thời gian hỏi ý kiến phòng vận hành, ca trực giám sát yêu cầu nếu sử dụng hình ảnh và clip để đăng bài thì phải tuân theo Luật Báo chí và ca trực giám sát không cung cấp quy định bởi lý do nội bộ”.
Theo phóng viên, chỉ có trưởng ca bảo vệ và giám sát vận hành của TCP làm việc, không chấp nhận đề nghị cho gặp người có thẩm quyền để xin phép tác nghiệp.
“Khu vực thang bộ chúng tôi tác nghiệp không hề có bảng biểu, thông báo cấm chụp hình, quay phim. Khi phóng viên yêu cầu cung cấp quy định này thì vị giám sát vận hành nói để đi tìm, 30 phút sau quay lại báo là do bảo mật nên không xuất trình quy định được. TCP vẫn giữ chúng tôi lại thêm 1 giờ nữa để viết biên bản. Tổng cộng thời gian ngồi làm việc với bên nhà xe là từ 16h30 đến hơn 18h30”, phóng viên của Zing thuật lại.
Bảng nội quy bãi giữ xe của Công ty cổ phần TCP. Ảnh: Quỳnh Danh.Trao đổi với Zing, luật sư Trần Minh Cường (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc làm của TCP đã gây khó khăn, cản trở hoạt động tác nghiệp báo chí vì khu vực bãi xe không có quy định cấm quay phim chụp ảnh và không có bảng cấm.
Dẫn chiếu quy định tại Điều 2, Quyết định 160/2004/QĐ-TTg, luật sư Cường cho biết các khu vực, địa điểm cấm quay phim, chụp ảnh bao gồm: Các công trình phòng thủ biên giới, phòng thủ vùng trời, phòng thủ vùng biển; khu vực công nghiệp quốc phòng, công an; khu quân sự, khu công an, doanh trại quân đội nhân dân, doanh trại công an nhân dân, sân bay quân sự, quân cảng, kho vũ khí của quân đội nhân dân, công an nhân dân.
Ngoài ra còn có quy định cấm ở các kho dự trữ chiến lược quốc gia; công trình, mục tiêu đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội; khu vực biên giới (trừ các thị xã, thị trấn và các điểm du lịch đã được Chính phủ cho phép; các trường hợp có giấy tờ hợp lệ xuất nhập cảnh qua cửa khẩu đường bộ, đường sắt, các trường hợp công dân nước thứ ba được qua lại theo Hiệp định về Quy chế biên giới mà Việt Nam đã tham gia ký kết).
Với những khu vực cấm quay phim, chụp ảnh thì phải được liệt kê danh sách của các địa phương, bộ ban ngành. Nếu không có trong danh sách đó thì không được cấm.
Theo Luật Báo chí và các văn bản hướng dẫn có quy định rõ ràng nếu những người nào có hành vi cản trở bằng lời nói hành động cản trở việc tác nghiệp báo chí của các phóng viên thì có thể bị xử lý hành chính cho đến hình sự.
Luật sư Cường lưu ý việc tác nghiệp của báo chí không xâm phạm đến bí mật đời tư của công dân, không xâm phạm đến an ninh quốc gia thì đều phải được tạo điều kiện.