Tính kế thừa và phát triển trong sự nghiệp hót gơn qua nhân vật Thúy Kiều

Bài dự thi tuyển cộng tác viên của Tin Khó Tin

Thí sinh: Hoàng Hối Hận

Trong tư duy văn hóa Việt Nam xưa nay, Thúy Kiều vẫn được xem là đại diện tiêu biểu cho nhan sắc và tài hoa của người phụ nữ, một hót gơn xuyên không-thời-gian 3 chiều. Nhưng ngày nay, trong thời đại người phụ nữ nổi tiếng nhất thế giới là Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Cờ-lin-tơn, người nổi tiếng thứ nhì là hoa hậu gì đó Ngọc Trinh và người thứ ba chủ tịch HĐQT trường quốc tế châu Á Thái Bình Dương, Nguyễn Thị Ngọ, có lý do để xem xét lại quan niệm về tài năng của Thúy Kiều.

Tài năng của Kiều được Nguyễn Du mô tả như sau:

“Thông minh vốn sẵn tính trời

Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

Cung thương làu bậc ngũ âm

Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một chương”

Như vậy, tài năng của Kiều gồm có: làm thơ, vẽ tranh, hát xướng, đánh Hồ cầm. Đây hoàn toàn không phải những nghề có thể tồn tại trong xã hội xưa và nay. Chính Nguyễn Du cũng đã nhận thức được sự ảo tưởng này, và đến câu thứ 605, ông đã sửa sai bằng việc cho nhân vật tự nhận thức giá trị lớn nhất của bản thân: nhan sắc, bằng việc bán mình chuộc cha lấy 300 lạng hay 11,61kg bạc, tương đương với 11.207 USD theo giá thế giới ngày 23/4/2012. Số tiền này tương đương với lương của một thành viên dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam trong 8 năm. Như vậy, sự chênh lệch trong giá trị giữa “nhan sắc” và “cầm kỳ thi họa” đã được chính Nguyễn Du vạch rõ trong tác phẩm của mình.

|353px;x280px;

Bà Nguyễn Thị Ngọ, một doanh nhân thành đạt, đang trình bày quan điểm về “tài năng”

Nguyên nhân của sự lệch lạc trong quan điểm về tài năng trong phần mở đầu tác phẩm “Tiếng kêu mới đứt ruột” của Nguyễn Du có thể nằm ở hộ khẩu của thi hào. Ông vốn được sinh ra tại phường Bích Câu, Thăng Long. Đây là một địa phương vốn có truyền thống thi ca. Ngày nay, truyền thống này vẫn được duy trì, nơi đây vẫn là địa chỉ quen thuộc của những người yêu thích sáng tạo trong văn chương, với các kỳ Ô-lym-píc chém gió được tổ chức mỗi tối ở các quán trà chanh đường Cát Linh. Sự yêu thích nghệ thuật quá đà của một người sinh ra tại Bích Câu có thể đã dẫn đến sai lầm của Nguyễn Du.

Qua các thời đại, thông điệp mạnh mẽ mà Nguyễn Du truyền tải của cuộc đời Thúy Kiều vẫn sống mãi. Để khắc phục sai lầm của thi hào, hiện các hậu duệ của ông, đặc biệt là phụ nữ, thường không mất đến hơn 600 câu cà kê với Hồ cầm và Kim Trọng, đi thẳng vào giá trị cốt yếu của phụ nữ ngay từ phần mở đầu, với các tác phẩm ví dụ là “Sợi xích” của Lê Kiều Như hay “Ai em đàn bà” của Y Ban.

Đáng chú ý hơn, các hot gơn ngày nay, ngoài việc phát huy tối đa giá trị của nhan sắc, đã biết tự trau dồi cho mình những kỹ năng mềm hỗ trợ hoạt động kinh tế có lợi nhuận cao này. Giá Tú Bà mua Thúy Kiều hiện chỉ tương đương với 2 chiếc túi Chàn-neo trong bộ sưu tập của hoa hậu gì đó Ngọc Trinh, và bằng 1/20 chiếc đồng hồ mà Công Vinh mới mua tặng Thủy Tiên. Sở dĩ có sự phát triển vượt bậc này là do Thúy Kiều không hề sở hữu các kỹ năng quan hệ công chúng, khi đi dự event do Tú Bà tổ chức, vừa bị “cởi xiêm lột áo” , cũng tức là có cơ hội quảng bá sản phẩm, thì đã “còn ngẩn ngơ biết gì” (câu 935-939), vô cùng yếu kém trong giao tiếp. Các hót gơn ngày nay đều biết cởi bớt xiêm áo từ trước khi đi dự tiệc, biết cười tươi với phóng viên trên thảm đỏ và biết vô tình để lộ tấm lót ngực trên sân khấu.

|398px;x307px;

Bị lỡ 605 câu thơ, Thúy Kiều không kịp cập nhật các kỹ năng mềm mà hot gơn hiện đại sở hữu

Qua phân tích hình tượng nhân vật Thúy Kiều, có thể dễ dàng nhận ra từ ngàn xưa, nhan sắc và việc khai thác nhan sắc đã là phẩm chất làm nên giá trị của người phụ nữ. Các tài năng ở phụ nữ có giá trị cao khi phục vụ hoạt động này. Nếu Thúy Kiều có được các kỹ năng của các hót gơn ngày nay, rất có thể cô vẫn cứu được Vương Ông, lại được đổi những con ngựa hàng hiệu như Xích Thố của Lã Bố hay Dốc ợp Gi-bờ-ran-ta của A-lếch Phơ-gu-sơn mỗi lần sinh nhật, như Ngọc Trinh đổi xe hơi. Thuý Kiều khổ không phải vì cô có tài mà là vì cô thiếu các tài năng thiết yếu của hot gơn.

Tiếc rằng, như Nguyễn Du đã chỉ ra: “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, sự đố kỵ trong một bộ phận dư luận với nhan sắc của các hót gơn đã tạo thành một luồng quan điểm lệch lạc, cho rằng các cô có sắc mà không có tài. Thiết nghĩ, đây là một vấn đề cần được xã hội lưu tâm.