Tôi đã đưa đứa con trai 7 tuổi bị khuyết tật nhận thức của mình vào "nhà ở xã hội" vì tôi muốn quên đi sự hiện diện của thằng bé…

Tôi đã đưa đứa con trai 7 tuổi bị khuyết tật nhận thức của mình vào “nhà ở xã hội” vì tôi muốn quên đi sự hiện diện của thằng bé. Tôi không cảm thấy có lỗi vì điều ấy.

Đột biến mất đoạn

Tôi không thể kể với ai về chuyện này, kể cả bác sĩ tâm lý của mình. Các bạn có thể chửi rủa tôi, không sao cả, vì tôi nghĩ bản thân mình cũng xứng đáng bị lên án. Khi viết câu chuyện này, tôi chỉ có một câu hỏi dành cho các bạn thôi: nếu rơi vào trường hợp của tôi, các bạn sẽ làm gì? Hãy lưu ý rằng, tôi không hỏi chúng ta NÊN làm gì cho phù hợp đạo đức, mà là chúng sẽ THỰC SỰ làm gì…

Tôi là một bà mẹ đơn thân của 2 đứa con trai. Một đứa 12 và một đứa 7 tuổi. Chồng tôi vừa mất 3 năm trước vì tai nạn nghề nghiệp. Thật ra, tôi đã nghĩ rằng anh ấy không gặp tai nạn gì cả mà là tự tìm đến cái chết. Anh ấy đã tự sát khi đồng nghiệp không có ở đó. Tôi tin anh ấy đã chọn quyên sinh vì đó là lối giải thoát tốt nhất cho những áp lực mà anh ấy gặp phải. Trong đó, áp lực lớn nhất của anh bắt nguồn từ đứa con trai út của tôi.

Khi tôi mang thai đứa con thứ hai, bác sĩ đã báo cho chúng tôi một tin buồn rằng rất có khả năng cháu sẽ bị hội chứng Down. Nếu chỉ có vậy thì không sao, dù con có bị nặng thì chúng tôi vẫn sẵn lòng nuôi dạy thằng bé. Nhưng sự thật còn xấu hơn những gì tôi có thể tưởng tượng: con của chúng tôi bị mất đoạn nhiễm sắc thể, một hội chứng hiếm gặp nên tôi sẽ không đi sâu vào giải thích vấn đề này. Tình trạng của thằng bé tệ đến mức, tư duy và nhận thức của nó sẽ mãi mãi không định hình và phát triển được. Thằng bé sẽ sống cả đời như một cái xác không hồn, từ lúc còn bé cho đến mãi về sau.

Con tôi không thể phản ứng với bất kì điều gì cả. Đôi mắt của nó không hề di chuyển, kể cả khi chúng tôi cố gắng động chạm và tương tác với nó. Thằng bé không biết thế nào là đau đớn, không hề khóc kể cả khi vừa lọt lòng. Tôi chưa từng nghe nó phát ra một âm thanh gì, gia đình tôi cũng phải sử dụng bình trợ thở oxy và truyền dịch cho thằng bé sống sót. Cả đời thằng bé sẽ phải đeo tã, nói chung là không hề có sự nhận thức.

Tôi không hề đau khổ vì đã sinh ra một đứa con như vậy. Nếu thằng bé có nhận thức, dù chỉ là một chút, tôi cũng sẽ cố gắng từng ngày để con được tiến bộ hơn. Nhưng con tôi còn không biết tôi là ai, không hề tương tác và phát ra âm thanh nào để gây sự chú ý của tôi. Tôi không mong muốn mình sinh ra được một đứa trẻ hoàn hảo, nhưng liệu đứa trẻ mà tôi vừa sinh ra, là một “đứa trẻ không hoàn hảo”, hay là một “con người vô hồn”?

Tôi không yêu đứa trẻ ấy. Tôi chỉ nuôi nó vì tôi cảm thấy phải có trách nhiệm với nó. Thằng bé không tạo cho tôi cảm giác muốn che chở, đùm bọc, vậy nên tôi không thương nó. Ngoài sự khuyết tật về nhận thức, con tôi còn mang vô số những bệnh khác trong người và điều đó làm thằng bé cực kỳ yếu. Tôi và gia đình đã phải chạy chữa cho thằng bé đủ mọi kiểu. Nhiều lúc, tôi vô thức nghĩ rằng mình đã dành quá nhiều thời gian và công sức để chăm sóc cho đứa trẻ này.

Đứa con lớn của tôi, đã chịu đựng rất nhiều vì đứa em trai “không hiện diện” này. Tôi đã dành nhiều thời gian cho đứa em út đến mức gần như quên mất đứa con đầu. Thậm chí, tôi đã phải từ bỏ ước mơ học Luật của mình để chạy chữa cho “đứa trẻ khoai tây”. Người anh đã không nhận được đủ sự quan tâm từ tôi, và không thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi mà lẽ ra thằng bé xứng đáng được hưởng.

Có một lần, tôi vô tình nghe thấy có tiếng động từ trong phòng của đứa em út. Tôi chạy vào vì nghĩ rằng ống thở lại rơi ra hay gì đó, nhưng những gì tôi nhìn thấy chỉ là một cuộc ẩu đả: con trai lớn của tôi đang dùng hết sức lực để đánh “đứa trẻ khoai tây”. Tôi nghe thấy thằng bé hét lên: “Mày là lý do vì sao tao không có mẹ, không có cha. Mày là lý do khiến tao không thể mời bạn sang nhà chơi, không thể chơi thể thao và làm bất cứ điều gì cả! Tao ghét mày và tao mong mày chết mẹ đi!”. Tôi tưởng mình sẽ thấy hoảng sợ, buồn bã và tuyệt vọng, nhưng không, tôi chỉ đứng đó nhìn cuộc ẩu đả và không thốt lên được bất cứ suy nghĩ nào. “Đứa trẻ khoai tây” không hề cử động và phản ứng với những đòn đánh từ con trai đầu, không một cảm xúc gì hết, chỉ là sự im lặng nối tiếp im lặng.

Tôi chợt nghĩ, thằng bé không hề biết tôi là ai, không biết bố là ai, không biết anh trai là ai và không thực sự đang “sống”. Nó không quan tâm nó đang ở đâu, làm gì hay có nhận được đủ sự quan tâm không. Thằng bé, nếu nói một cách đúng đắn, thì là con trai của tôi, nhưng không phải là “gia đình” của tôi.

Thật ra, tôi đã thật sự MONG RẰNG mình sẽ được nuôi và quan tâm một đứa trẻ bị mắc bệnh Down, vì dù sao nó cũng có nhận thức, dù chỉ là rất chậm. Tôi đã nghĩ dù con tôi có bị Down nặng, nó vẫn là một món quà mà thượng đế ban tặng. Nhưng không, đứa trẻ này không phải là một món quà. Thằng bé là một sản phẩm lỗi do sự rối loạn di truyền và nếu tôi biết nó sẽ sinh ra như thế này, ngay từ đầu tôi đã bỏ nó. Tôi đã nghĩ rằng thằng bé chỉ không thể giao tiếp, chứ vẫn ý thức được những gì xảy ra xung quanh, nên tôi mới hết sức chạy chữa cho nó, nhưng không điều gì mang lại kết quả cả…

Vào ngày 29 này, đứa trẻ này sẽ chính thức được chuyển vào khu chăm sóc đặc biệt. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, dù biết cảm xúc của mình là trái với đạo đức mẹ con. Nhưng tôi biết, gia đình tôi sẽ vui hơn nếu “đứa trẻ khoai tây” này biến mất.

Thằng bé đã cướp đi chồng, và cả tuổi thơ của người con trai đầu. Họ đã phải lo lắng, và làm việc quá nhiều để có tiền chạy thuốc cho “đứa trẻ khoai tây”. Chồng tôi đã phải đi ở bác sĩ tâm lý vì áp lực nhưng anh ấy đã quá mệt mỏi và trầm cảm rồi. Tôi biết anh ấy cũng giống như đứa con trai đầu: chỉ muốn đưa thằng bé đi một nơi nào đó khác. Những quá trình trị liệu tâm lý học chắc sẽ không bao giờ đem lại kết quả nào khả quan bằng việc đem đứa con ấy ra đi. Nhưng anh không thể cư xử như vậy vì bổn phận làm CHA không cho phép…

Tôi đã nhận ra đứa con trai đầu đáng thương của tôi đã phải trải qua những áp lực gì sau khi “đứa trẻ khoai tây” được đưa đi một nơi khác. Thằng bé đã mất cha, không hề nhận được đủ sự quan tâm và lúc nào cũng trong tâm trạng tồi tệ dù nó chỉ mới được 12 tuổi. Tôi tin mình nên dành nhiều thời gian cho đứa con đầu hơn vì thằng bé biết yêu thương tôi và có cảm xúc với tôi. “Đứa trẻ khoai tây” sẽ thuộc về một nơi khác, nơi mà người khác được trả công để chăm sóc nhưng trường hợp như vậy và không cần phải gồng gánh những trách nhiệm gia đình nặng nề mà tôi đã phải trải qua. Tôi không muốn nghĩ về cậu con trai út nữa, và tôi không cảm thấy hối hận.

Cảm ơn mọi người vì đã nghe tôi chia sẻ nhé.

https://www.reddit.com/r/confession/comments/c11din/im_putting_my_extremely_profoundly_disabled_7/?utm_source=share&utm_medium=ios_app&utm_name=iossmf

Dịch bởi Hoa Lương

Câu chuyện của người quen mình dài gần bằng câu chuyện của OP và mình muốn kể từ góc độ người thứ ba.

Người quen mình ở dưới quê, nói tránh thì là điều kiện kinh tế không dư giả, nói thẳng là nghèo. Hai vợ chồng đó là bạn học cấp 3 của ba mẹ mình. Đứa con đầu của hai vợ chồng, sanh năm 2k5, là một thằng bé khá là dễ thương và đẹp trai. Lúc khám thai đứa thứ hai, sanh năm 2k10, bác sĩ có bảo là đứa bé bị bại não. Cho những bạn không biết, này là mình Google, bại não là thuật ngữ chỉ một nhóm tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự kiểm soát các vận động cũng như tư thế. Hai vợ chồng không tin, vì nghĩ bác sĩ dưới quê thì học thức kém, đem thai lên Sài gòn khám, bác sĩ cũng bảo y chang. Hai vợ chồng nghiên cứu đủ thứ, đọc biết bao nhiêu là bài báo về những bậc phụ huynh khác đã nuôi con bại não thành người tài, cũng tin rằng với tình yêu tương tự, họ sẽ nuôi nấng con thành tài, và thế là họ quyết định sanh con.

Ôi các bạn ơi, nói không biết hay không lường trước được cũng không đúng, vì họ đã nghiên cứu kĩ rồi. Đứa con thứ hai, 7 tuổi vẫn không biết nói, đầu của thằng bé rất to, cần sự chăm sóc mọi lúc mọi nơi các bạn ạ. Có điều thằng bé khác thằng bé con OP rất nhiều, bởi vì thằng bé này nó có cảm xúc, có phản ứng, và nó thật sự là một con người. Nó biết lắng nghe ba mẹ nó, ba mẹ nói gì nó hiểu hết, nhưng những cái nó không thể làm là:

  • Không thể tự ăn uống
  • Không thể di chuyển tay hoặc chân
  • Không thể tự tắm rửa, vệ sinh, hay là đi vệ sinh
  • Không thể nói chuyện tròn câu
    Và những cái nó có làm là:
  • Có thể khóc, có thể cười
  • Có cảm xúc với sự kiện xung quanh
  • Có thể nói được những từ ngữ nhất định

Nhưng nói thật với các bạn, chỉ cần những cái không thể của đứa bé, thì coi như sự chú ý của ba mẹ dành cho con cái phải là 100% rồi. Ba mẹ nó không thể tin họ hàng để cho họ chăm sóc con, công việc của hai vợ chồng là bán hàng ngoài chợ, thế là họ phải ẵm đứa con ra ngoài chợ ngồi bán chung í mọi người. Nhưng mà, vì hình hài dị dạng của đứa con, cái đầu rất to, tay chân vì chưa bao giờ được sử dụng nên teo và đơ, nên công việc làm ăn không thuận lợi. Rất nhiều người dân đi chợ thấy hình ảnh đó và sợ mọi người ạ. Người nào quen biết hai vợ chồng như bà nội mình thì đến mua ủng hộ vài cái coi như là làm phước. Người nào không quen họ chỉ nhắm mắt đi luôn.

Đứa con đấy nó tự biết nó là gánh nặng của ba mẹ nó mọi người ạ. Nó khóc 24/24, nước mắt nó chảy liên tục, và những từ nó khóc, nếu ráng nghe được thì toàn là những từ “Xin lỗi ba” “Xin lỗi mẹ” “Con thương ba” “Con thương mẹ”. Nó cũng nói xin lỗi anh trai nó nhiều lắm, nó cứ “Xin lỗi anh Bin”. Nói chung nó không hề hạnh phúc. Nhiều lần về quê ba mình đều lì xì mạnh tay cho gia đình và nói những lời ngọt ngào với nó, mỗi lần nó nghe nước mắt nó chảy ra và nó nói “Cám ơn chú”. Sự thật cái hình ảnh đấy nó đau lòng lắm mọi người

Mà nghe đâu, không phải một lần, mà rất nhiều lần bà nội nó, tức là mẹ của chú, quát mắng hai vợ chồng vì vài chuyện lặt vặt trong nhà, xong lỡ mồm lôi nó vào, nó nghe được nó biết xong nó khóc thé lên không kìm chế được, vì cảm xúc lấn át và khóc quá kinh khủng nên lần đó ảnh hưởng đến hệ thần kinh nó rất nhiều, phải mang lên Sài Gòn khám luôn mọi người ạ.

Kể thế thôi, gia đình mình và gia đình hai cô chú ấy đã thân nhau từ bé, chỉ mỗi điều nhà mình sống ở Sài gòn. Mỗi lần về quê mình đều gặp thằng bé, bây giờ nó 12 tuổi và vừa học xong chương trình lớp 1 rồi mọi người ạ, nói chung là trí tuệ phát triển và cảm xúc phát triển bình thường. Chỉ là, thấy cái cảnh ấy, trước hết là mình vẫn khâm phục hai cô chú và tình yêu của hai cô chú dành cho thằng bé, và quan trọng hết là dành cho nhau. Suốt thời gian qua, chưa một ai ngoại tình bao giờ, và hai vợ chồng ở bên nhau và ở bên thằng bé 24/7. Nhưng, nếu sau này, người xung quanh mình, hay nếu có là mình, đi khám thai mà phát hiện con có vấn đề, mình sẽ cố gắng thuyết phục bỏ nó. Mình không muốn đứa bé nào phải sống với suy nghĩ nó là gánh nặng cho ba mẹ nó. Mình không muốn đứa bé nào sẽ sống cuộc đời như bé Bi nữa, nó đủ khổ rồi, và cái khổ của nó là bài học mình học được từ góc nhìn thứ ba