Văn hóa, xã hội nước Đức - vài điều nên biết

“Tam quyền phân lập” (Gewaltenteilung) - một trong những yếu tố giúp nước Đức hạn chế tham nhũng & chống lạm dụng quyền lực

Những bạn đang học tập tại Đức hoặc đang ôn thi Einbürgerungstest để nhập quốc tịch Đức ắt hẳn đã từng nghe hoặc đọc qua khái niệm “Gewaltenteilung” (phân chia quyền lực/ tam quyền phân lập). Đây là nguyên tắc cơ bản của nhà nước Đức - và cũng là mô hình được áp dụng bởi tất cả các nước dân chủ khác, bao gồm cả các nước Châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore.

Nguyên tắc “Gewaltenteilung” quan trọng đến mức truyền hình Đức thậm chí còn đưa chủ đề này vào chương trình kiến thức & thời sự cho trẻ em tiểu học:

Vậy nhưng đối với nhiều người thì khái niệm này vẫn khá là trừu tượng và khó hiểu. Nếu bạn muốn hiểu kĩ hơn về nguyên tắc này, bạn có thể đọc bài giải thích bằng tiếng Việt sau đây.

Nước Đức là một nhà nước pháp quyền/ pháp trị (Rechtsstaat). Trong một nước pháp quyền, luật pháp là trên hết: nhà nước xây dựng nên pháp luật để quản lý xã hội và tự đặt mình dưới pháp luật. Điều này có nghĩa là công dân phải tuân thủ, thi hành và sử dụng pháp luật - và ngay cả các cơ quan nhà nước cũng đều phải hoạt động trong khuôn khổ quy định của pháp luật.

Nhưng… làm thế nào để ép buộc các cơ quan nhà nước phải tuân theo pháp luật mà nhà nước đã đặt ra cho mọi công dân? Chúng ta đều biết, với bản tính tham lam tự nhiên của con người, khi một nhóm người nắm nhiều quyền lực trong tay, nguy cơ lạm quyền và lộng quyền là rất cao. Ví dụ, những người có chức quyền có thể dựa vào vị thế của họ để nhận tiền hối lộ, tham nhũng, dùng tiền thuế nhà nước thu được để làm giàu cho bản thân thay vì đầu tư cho toàn thể công dân. Họ cũng có thể bắt giam những người lên tiếng phê phán họ, hoặc đưa ra những điều luật gây bất lợi cho những người này, vv. và vv…

Để đảm bảo được công lý và tự do, cũng như hạn chế triệt để việc quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực thì nhà nước Đức cũng như nhiều quốc gia dân chủ khác đều áp dụng mô hình “Gewaltenteilung” = “phân chia quyền lực” trong nhà nước.

Bởi lẽ, cách tốt nhất để chống lạm quyền là giới hạn quyền lực bằng chính công cụ quyền lực. Luân lý và đạo đức không phải là công cụ kiềm chế quyền lực. Chỉ có quyền mới chặn được quyền.

Khái niệm “phân chia quyền lực” được đề cập và nghiên cứu đầu tiên bởi nhà triết học người Anh John Locke trong thế kỉ 17, và sau đó - trong thế kỉ 18 - được phát triển tiếp thành lý thuyết “tam quyền phân lập” bởi nhà triết học Khai Sáng người Pháp: Montesquieu.

“Tam quyền phân lập” có nghĩa là 3 quyền của nhà nước (lập pháp, hành pháp, tư pháp) phải được phân chia cho 3 cơ quan độc lập (!) nắm giữ.

:point_right:"Lập pháp" (=Legislative) có nghĩa là lập nên luật pháp, viết ra luật lệ. Cơ quan lập pháp của Đức ở cấp liên bang là Quốc hội liên bang (Bundestag) và Hội đồng liên bang (Bundesrat). Quốc hội liên bang Đức (=Bundestag) được dân bầu ra cho nhiệm kì 4 năm. Còn Bundesrat thì bao gồm đại diện của 16 tiểu bang (chính phủ của các tiểu bang đc bầu ra bởi các nghị viện tiểu bang, và nghị viện tiểu bang thì cũng là do dân bầu ra cho nhiệm kì 5 năm).

:point_right:"Hành pháp" (=Exekutive) có nghĩa là thi hành pháp luật, thực thi quyền lực điều hành. Các cơ quan nắm quyền lực này tại Đức là chính phủ và các cơ quan khác như sở kiểm sát/công tố, cảnh sát, sở thuế, vv… Ở đây xin nói thêm là mặc dù chính phủ Đức là cơ quan hành pháp và không có quyền “thông qua luật pháp”, nhưng họ đc phép đưa ra đề xuất, phác thảo dự luật.

:point_right:"Tư pháp" (=Judikative) - trong tiếng Đức cũng gọi là “Rechtsprechung”, nghĩa là phán luật, phán xử. Các toà án chính là các cơ quan tư pháp của một đất nước.

Trong một nhà nước với “tam quyền phân lập”, không có cơ quan/tổ chức nào nắm trong tay cả 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì vậy nên họ không thể “đứng trên luật pháp” để lạm dụng quyền lực. Nếu chính phủ và các cơ quan hành chính làm sai luật, người dân có thể kiện ra toà án, và toà án sẽ xét xử chính phủ/cơ quan hành chính dựa trên luật pháp đã được thông qua bởi quốc hội. Cũng như vậy, nếu người dân cảm thấy quốc hội đã thông qua một số luật pháp mâu thuẫn với hiến pháp, họ có thể kiện ra trước toà Bundesverfassungsgericht để nhờ toà phán xét xem luật đó có vi phạm hiến pháp hay không. Nếu sai thì quốc hội hoặc/và chính phủ phải sửa lại luật, và quốc hội phải thông qua luật mới.

Trên thực tế, muốn thực hiện được “tam quyền phân lập”, phải đảm bảo được tính độc lập của 3 cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. Điều này là rấttt khó. Có những nước lập ra được quy chế phân lập quyền lực hiệu quả hơn hẳn nước khác, nhưng trên thế giới chưa có nước dân chủ nào lập ra được một quy chế “tam quyền phân lập” hoàn hảo toàn diện.

Tuy nhiên, có một quy chế giúp đảm bảo tính độc lập giữa các cơ quan nhà nước và được áp dụng bởi hầu hết các nước dân chủ, đó là nguyên tắc “đa nguyên đa đảng”.

Tại Đức, nhiều đảng được phép hoạt động chính trị và cạnh tranh với nhau để giành ghế trong quốc hội (cơ quan lập pháp). Ở Đức có hơn 40 đảng, và trong số đó thì hiện tại có tổng cộng 6 đảng lớn được dân Đức bầu vào quốc hội: đó là đảng CDU/CSU (Union), SPD, FDP, AfD, Grüne, và Linke.
Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng quan điểm chính trị của dân Đức khá đa dạng, và do vậy nên từ phe Tư bản (CDU/CSU, FDP, thậm chí là một phần đáng kể của SPD) cho đến phe Cộng Sản/Xã hội Chủ Nghĩa (Linke và một phần nhỏ của SPD), cho đến phe chính trị xanh (Grüne) và phe chủ nghĩa dân tộc (AfD) - đều có tiếng nói trong cơ quan lập pháp của nước Đức.

Theo lẽ tự nhiên, khi có nhiều đảng trong quốc hội, họ sẽ kiểm soát lẫn nhau và tìm mọi cách để “bới lông tìm vết” bên đối thủ chính trị của mình. Muốn lạm dụng quyền lực trong môi trường như vậy khá là khó khăn.

Quốc hội Đức bầu ra thủ tướng Đức, và người này sẽ lập nên chính phủ Đức (= cơ quan hành pháp mấu chốt của đất nước).

Thường thì chính phủ Đức bao gồm các chính trị gia từ 2-3 đảng. Lí do là vì ở Đức không có đảng nào nắm được đa số quá bán trong quốc hội. Mặc dù đảng CDU của Thủ tướng Merkel là đảng mạnh nhất nhưng cũng chỉ được có hơn 26% dân bầu, cộng thêm 6% của đảng “em” CSU thì cũng chỉ lên đc 32%.

Nếu chỉ có mỗi 32% bỏ phiếu bầu bà Merkel lên làm Thủ tướng thì không “đủ đô”, sẽ bị các đảng đối lập trong quốc hội chặn ngay tắp lự. Vì vậy nên CDU/CSU thường xuyên phải liên minh với 1-2 đảng khác để lập nên chính phủ. Hiện tại thì CDU/CSU đang phải “chia chác quyền lực” với đảng SPD: hai đảng này đang cùng nhau nắm chính phủ Đức.

(Ở cấp tiểu bang thì cũng chỉ có duy nhất đảng CSU của bang Bayern là thường xuyên được nhiều dân bầu đến mức nắm đc đa số quá bán (hơn 50%) và nhờ vậy mà nắm độc quyền tại bang Bayern.)