Vì sao người đồng tính không thích hợp cho sinh sản, nhưng vẫn luôn xuất hiện trong lịch sử loài người?

Vì sao họ không biến mất? Như chúng ta đã biết về tiến hóa, những cá thể không thích hợp cho sinh tồn và sinh sản sẽ dần bị loại bỏ bởi cơ chế tiến hóa. Chọn lọc tự nhiên khắc nghiệt đến mức, chúng luôn đảm bảo rằng mọi sự tồn tại đều có giá trị trong bối cảnh tài nguyên có hạn.

Vậy, những cá thể đồng tính, tức bị hấp dẫn bởi người cùng giới và từ đó hạn chế khả năng sinh sản, vì sao luôn có thể di truyền tính trạng đồng tính qua thế hệ sau, cho đến mãi ngày nay?

Trước khi thực sự tìm hiểu về cơ chế cụ thể, có thể đưa ra một vài giả thuyết từ đầu: (1) đồng tính không thể di truyền, hoặc (2) cơ chế di truyền của đồng tính đặc biệt đến mức không cần trực tiếp đẻ ra con cái nhưng vẫn duy trì được hoặc (3) thực ra đồng tính có lợi cho sinh tồn và sinh sản.

  1. Dị tính, đồng tính và xu hướng tính dục.

Nhưng khoan hãy nói về những thứ phức tạp. Chúng ta vẫn thường nói nhiều về thứ gì đó, nhiều hơn cả số kiến thức ta biết về nó. Nghĩa là, mọi người chú trọng nhiều vào việc bàn luận trước khi tìm hiểu các thuật ngữ. Và đó là điều nên tránh.

Vì vậy, đoạn 1 của bài viết này sẽ tập trung giải thích một vài thuật ngữ về dị tính, đồng tính và xu hướng tính dục: vì sao nam nữ bị hấp dẫn bởi nhau, và cơ chế này ở người đồng tính có sự khác biệt như thế nào?

Về cơ bản, có 3 định nghĩa liên quan đến giới tính: “giới tính sinh học” - dựa trên nhiễm sắc thể, đặc điểm cơ quan, cơ chế hormone và hơn thế; “xu hướng tính dục” (sexual orientation) - sự hấp dẫn về mặt tình cảm hoặc tình dục hướng đến người khác; và “bản dạng giới” (gender identity) - cách một người tự nhìn nhận về giới tính của bản thân.

Nếu như giới tính sinh học chỉ tồn tại nam, nữ và liên giới tính (một đột biến liên quan đến nhiễm sắc thể), thì xu hướng tính dục và bản dạng giới đa dạng hơn rất nhiều khi ngày nay được định nghĩa rộng đến mức có thể bao quát gần như đủ mọi kiểu hấp dẫn mà một ai đó cảm nhận được (hoặc không cảm nhận được). Bài viết sẽ tập trung vào giải thích cho riêng xu hướng tính dục đồng giới.

Vậy, dị tính nghĩa là người có xu hướng bị hấp dẫn bởi người khác giới (nam-nữ thích nhau), đồng tính là người bị hấp dẫn bởi những người cùng giới và xu hướng tính dục chính là cơ chế ở giữa những quá trình thích nhau ấy.

Hãy nói về những điều hiển nhiên trước, tại sao nam - nữ lại luôn thích nhau?

Tương tự như bất kỳ hoạt động sống nào khác, chúng ta - những cá thể sinh học, vốn luôn chịu sự tác động của các chất dẫn truyền thần kinh, hormone và hoạt động của các cơ quan. Và chúng tuân lệnh tiến hóa nhiều hơn tuân lệnh bộ não của chính chúng ta. Vì thế, có hai nhiệm vụ luôn được toàn bộ cơ thể sinh học chú trọng đến: sinh tồn và sinh sản. Do vậy, sự sợ hãi cái chết, hay những cơn bồn chồn khi nhìn thấy người khác giới ở những thời điểm thích hợp, chính là cách cơ thể định hướng bộ não biết nên làm gì tiếp theo.

Tức là cơ thể bạn muốn điều gì đó, nó dẫn lối và cho bạn thấy rằng bạn đang muốn nó. Chứ không phải ngược lại.

Đến nay, người ta đã tìm thấy bằng chứng về sự xuất hiện của pheromone, một chất hóa học được cơ thể tiết ra để gây hấp dẫn về mặt tình dục [1]. Hóa chất này đến nay được biết rằng có tác động đến việc tiết testosterone và tinh trùng ở nam, hay quá trình phát triển nang trứng của nữ giới. Và sự gia tăng những hóa chất hay quá trình trên sẽ dẫn đến xúc cảm về hành vi. Dùng nước hoa là một cách để kích thích lan tỏa pheromone và gián tiếp gợi cảm giác ở người xung quanh trước cả khi người ta bắt đầu nhận thức được rằng họ bị hấp dẫn.

Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rõ rệt hành vi và cảm xúc của phụ nữ trong các thời điểm đặc biệt như rụng trứng, trong kỳ kinh nguyệt hay tương tự. Kết quả cho thấy, càng gần ngày rụng trứng, phụ nữ càng có xu hướng muốn được gần gũi với cá thể tiềm năng để tối ưu hóa khả năng thụ tinh vào thời điểm họ rụng trứng [2].

Tương tự, hành vi của nam giới với nữ giới cũng chịu sự chi phối sâu sắc bởi vấn đề “duy trì nòi giống”. Những đặc điểm như môi đỏ, má hồng… ở nữ giới hấp dẫn đàn ông, được cho là vì đó là tín hiệu cho thấy người nữ đang ở trong trạng thái sẵn sàng để sinh sản. Hoặc đàn ông thích ngực vì tiến hóa chủ động tích lũy mỡ xung quanh khu vực tuyến vú của nữ giới để cho thấy trạng thái dồi dào dinh dưỡng và sẵn sàng để nuôi con [3]. Cấu trúc cơ thể dạng đồng hồ cát với ngực và mông to cũng được ưa thích vì đó là dấu hiệu cho thấy khả năng sinh sản tốt [4].

Cả hai giới, nhìn chung đều muốn tìm một đối tác tốt để duy trì nòi giống. Và đó là nơi mọi thứ bắt đầu.

Tuy nhiên, đây là những ảnh hưởng ở mức tổng quát, và gần với toàn bộ phần còn lại của sinh giới. Tức là, những tác động này có thể tồn tại nhưng không đến mức quá mạnh mẽ hay giữ vai trò chủ chốt. Vì dù sao đi nữa, chúng ta cũng là con người. Mọi hành vi của con người đều chịu sự chi phối bởi yếu tố xã hội, tất nhiên hành vi tình dục cũng không ngoại lệ.

Do vậy, nếu chỉ dùng những dữ liệu sinh học để đi đến kết luận về hành vi con người là vô cùng vội vã và non nớt. Sự hấp dẫn tình dục của con người còn chịu sự chi phối bởi những yếu tố xã hội như tôn giáo, trật tự xã hội, văn hóa… Chẳng hạn, người ta nhận thấy nam giới ở nhiều nền văn hóa khác nhau thích những kiểu ngực khác nhau [5], hay hình tượng phụ nữ/đàn ông hấp dẫn cũng có sự thay đổi qua các thời kỳ khác nhau trong lịch sử [6].

Hơn nữa, người ta thậm chí còn không cảm thấy bị hấp dẫn bởi người nào đó, chỉ vì tôn giáo dạy họ không được làm thế, hoặc vì điều đó đi ngược với hoàn cảnh và ý thức hệ đang chi phối lấy họ. Hoặc họ bắt đầu có được những hấp dẫn tình dục mới, chỉ khi họ đang ở trong hoàn cảnh thích hợp mới. Điều này thể hiện rõ nhất trong hành vi tình dục đa dạng (đôi lúc đến mức thái quá) của giới quý tộc ở một vài thời điểm, so với tầng lớp bình dân.

Và vì hành vi tình dục chịu ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố xã hội, chứ không phải chỉ hoàn toàn rõ ràng về mặt sinh học, vấn đề xu hướng tính dục bắt đầu trở nên phức tạp.

Từ đó, người ta bắt đầu cãi nhau xem vì sao nam có thể thích nam và nữ có thể thích nữ.

Vì sao thế nhỉ? Cho đến nay, không ai biết chính xác vì sao.

Thực ra, sự hấp dẫn tình dục và hành vi của những người dị giới cũng được “hợp lý hóa bằng kết quả”, thay vì tìm ra nguyên nhân từ đầu. Nghĩa là, người ta không biết thứ gì thực sự đã chi phối đến việc nam - nữ thích nhau, nhưng họ biết rằng quá trình thích nhau ấy nhằm phục vụ cho mục đích sinh sản. Và do vậy, ở những người đồng tính, nơi mục đích sinh sản biến mất, mọi người quả thực đã hoang mang không biết vì sao những cá thể cùng giới lại thích nhau mà… không để làm gì?

Vì thế, đến nay cách giải thích khả dĩ nhất là thông qua toán học, hay cụ thể hơn là xác suất thống kê. Người ta cho rằng xu hướng tính dục đa dạng, bởi vì có quá nhiều biến số trong quá trình một đứa trẻ lớn lên, và vì vậy sẽ dẫn đến rất nhiều kết quả.

Chẳng hạn, mọi thứ con người làm chịu ảnh hưởng bởi 2 thứ là môi trường và gene. Nghe đơn giản, nhưng thực ra phức tạp hơn thế.

Riêng về gene, có rất nhiều gene, gene tương tác với nhau bằng rất nhiều cách, di truyền thông qua rất nhiều kiểu và đôi lúc còn tạo biến dị. Riêng về môi trường, môi trường ở đây bao gồm lượng chất dinh dưỡng bào thai nhận được từ nhau thai, chất lượng nước ối, cách đứa trẻ được sinh ra, số thành viên trong gia đình của đứa trẻ đó, cách chúng được bố mẹ nuôi dạy, lượng chất dinh dưỡng hấp thu, quá trình học tập ở trường lớp…

Trong số hàng loạt những thứ đa dạng và phức tạp ấy, đã có một (hoặc mỗi thứ một ít ở tất cả mọi thứ) khiến một đứa trẻ có xu hướng tính dục khác thường so với những đứa trẻ khác. Chỉ là chưa ai biết chính xác vấn đề nằm ở đâu cả. Nhưng chúng ta đều biết một điều rằng, ngay khi xu hướng tính dục của một cá nhân được hình thành, nghĩa là họ (và tất cả mọi người) phải chấp nhận nó. Ngay cả khi không biết vì sao. Họ cũng không giả vờ, cũng như không thay đổi được bất kỳ điều gì.

  1. Vì sao người đồng tính vẫn tồn tại?

Câu trả lời đã được tiết lộ một phần: vì đồng tính không di truyền theo kiểu bố da trắng tóc vàng và mẹ da trắng tóc vàng (cả hai đều thuần chủng) đẻ ra con da trắng tóc vàng. Người đồng tính cứ thế xuất hiện vì tác động của một (hoặc một vài) tác nhân nào đó trong hàng loạt tác nhân. Dữ liệu cho thấy tại các xã hội phương Tây điển hình, có đến 50% biến dị trong xu hướng tính dục có nguồn gốc từ di truyền (tức là có 50% do môi trường, và 50% do di truyền; trong phần về di truyền, cũng không biết rõ chính xác là phần nào cụ thể của di truyền).

Nhưng có một số giả thuyết đáng chú ý như sau:

(1) Giả thuyết “không phải bố, hãy chú ý đến mẹ và những người anh”.

Nhiều nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của một người nam đồng tính sẽ làm tăng khả năng xuất hiện một người nam đồng tính khác trong gia đình, có liên quan trực tiếp đến di truyền. Ví dụ, có 20-25% khả năng các anh em trai của một người nam đồng tính cũng đồng tính, điều tương tự cũng xảy ra với đồng tính nữ. Biết rằng tỷ lệ cho một người bình thường là đồng tính chỉ rơi vào khoảng 4-6%.

Xu hướng tính dục ở các cặp song sinh cùng trứng nam (giống hệt nhau về mặt di truyền) có sự tương đồng lên tới 50-65% (nghĩa là hơn 50% khả năng anh thích gì em thích đấy). Con số này cao hơn nhiều so với tỉ lệ chỉ 15% của các cặp sinh đôi khác trứng.

Cũng dựa trên mặt số liệu thống kê, một người đàn ông có càng nhiều anh trai thì càng có khả năng cao là đồng tính. Đây được gọi là “hiệu ứng anh trai” (fraternal birth order effect), với giải thuyết được đưa ra là do phản ứng miễn dịch của người mẹ. Khi mang thai con trai, người mẹ sẽ sản sinh một một loại kháng nguyên ảnh hưởng đến sự hình thành xu hướng tính dục, và có tác động tăng dần sau mỗi lần mang thai con trai. Tuy nhiên, cũng có những nghiên cứu về hiệu ứng này cho rằng nguyên nhân lại là do việc nuôi dạy chung hoặc do các yếu tố quan hệ gia đình khác [7].

Ngoài ra, dựa trên quan sát hiện tượng đồng tính nam có khuynh hướng di truyền từ phía dòng họ mẹ, đã dẫn tới việc phát hiện một phân đoạn DNA chứa dấu hiệu di truyền có liên quan đến xu hướng đồng tính nam được gọi là Xq28 nằm trên NST X, khiến nó từng được gọi là “gay gene”. Nghĩa là trước nay chúng ta luôn nghĩ rằng một người cha gay không thể đẻ con gay, nhưng nếu con gay do mẹ mang gene gay thì sao? Và vì gene này nằm trên nữ giới, nên không hề bộc phát tính trạng “thích nam giới” khác thường như khi ở trên nam giới.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã khẳng định rằng đồng tính có liên quan đến yếu tố di truyền (với mức độ từ 8-25%); nhưng nó không được gây ra bởi một “gay gene” đơn lẻ, mà là kết quả của sự tác động lẫn nhau giữa rất nhiều gene [8]. Ví dụ, quan sát bộ gene của người đồng tính có điểm chung nằm ở 5 gene đơn lẻ ngẫu nhiên, nhưng mỗi trong số chúng có tác động không đến 1% lên xu hướng tính dục đồng giới.

(2) Giả thuyết “không cha thì chú”.

(Giả thuyết số 1 lý giải việc vì sao bố gay không đẻ con, mẹ lesbian không sinh con, nhưng vẫn luôn có thế hệ đồng tính sau… cho thấy đồng tính tồn tại ở mức độ gene. Nhưng vì sao những gene ấy có thể tồn tại, mà không bị loại bỏ bởi tiến hóa, giả thuyết số 2 sẽ lý giải bổ sung cho giả thuyết số 1).

Một trong những cách giải thích cho nghịch lý này được gọi là thuyết chọn lọc huyết thống (kin selection theory), được phát triển dựa trên việc quan sát những người đồng tính nam được chấp nhận trong cộng đồng người Samoa được gọi là fa’afafine [9].

Nghiên cứu cho thấy những fa’afafine này có khuynh hướng dành sự quan tâm chăm sóc đến các cháu trai và cháu gái nhiều hơn so với những người nam và nữ dị tính khác. Họ sẵn lòng săn sóc và dạy dỗ những đứa trẻ cùng huyết thống, thậm chí hỗ trợ về mặt tài chính; như chi trả các chi phí giáo dục hoặc chăm sóc y tế.

Nghĩa là, để bù đắp cho khả năng sinh sản của bản thân, các fa’afafine trở thành người giúp sức (helper in the nest), hỗ trợ cho sự tồn tại của những đứa trẻ cùng huyết thống khác, và từ đó vẫn góp phần duy trì nguồn gene di truyền của gia đình.

Giả thuyết này không chỉ đúng với nền văn hóa của người Samoa, nơi chấp nhận sự tồn tại của những người mang xu hướng tính dục dị biệt. Dân bản địa Châu Mỹ có những người mang “hai linh hồn” (Two-Spirit), người Thái Lan có các khatoey (nữ chuyển giới - ladyboys), hay ở Ấn Độ, từng có một Hijas (từ chỉ chung người hoạn, liên giới hoặc chuyển giới) được bầu làm thị trưởng thành phố Gorakhpur [10].

Do vậy, sự tồn tại của gene gay thực chất có ích cho sinh sản (dù không phải cho họ), nên vẫn được giữ lại qua các thế hệ.

Tuy nhiên, lối sống ở các cộng đồng đặc thù lại không đúng với bối cảnh xã hội phương Tây, nơi đề cao chủ nghĩa cá nhân hơn là lối sống gắn kết trong gia đình nhiều thế hệ. Vấn đề nằm ở chỗ chúng ta không biết chính xác xã hội trong quá khứ có giống với những bộ lạc hiện đại hay không.

(3) Giả thuyết “Tiến hóa vì tính thẩm mỹ (Aesthetic Evolution)”:

Đây là giả thuyết được đưa ra bởi nhà điểu học Richard O. Prum. Ông cho rằng, tuy không có khả năng sinh sản, nhưng xu hướng tính dục đồng giới lại giúp ích cho việc sinh sản một cách gián tiếp [11].

Khi nhìn bộ lông đuôi rực rỡ đẹp mắt của con công đực, không thể nhận thấy bất kỳ một giá trị nào khác đóng góp cho sự sinh tồn, ngoài chuyện hấp dẫn công cái. Nó không có tác dụng, thậm chí còn cản trở việc bay lượn hoặc chiến đấu với những con đực khác, không những không giúp ích gì cho việc kiếm ăn, còn khiến chúng trở nên dễ bị phát hiện hơn bởi kẻ thù. Cái đuôi ấy chỉ giúp công đực duy nhất một việc: khả năng tìm kiếm bạn tình cao hơn.

Hoặc nói đúng hơn, chính những con công cái, với “gu thẩm mỹ” độc đoán, đã khiến những con công đực tiến hóa để có bộ lông đuôi mỹ miều như thế [12]. Và con đực không chỉ phải chạy theo nhu cầu vẻ đẹp hình thể, còn có thể thay đổi cả những đặc tính trong mối quan hệ xã hội với những con đực khác để chiều lòng con cái.

Vô tình, sự thay đổi này có thể dẫn đến phát triển xu hướng tình dục đồng giới ở con đực. Khi đó, việc giao phối đồng giới giúp công đực giải tỏa được 2 áp lực: đối tượng giao phối được mở rộng và giảm bớt mức độ khốc liệt cũng như những tổn thất không cần thiết trong việc cạnh tranh bạn tình. Đồng thời, giao phối đồng giới ở con cái cũng giúp con cái thoát khỏi những kiềm chế và cưỡng ép về mặt tình dục và thứ bậc xã hội. Theo Prum, chính sự cưỡng ép và áp lực đã làm nảy sinh xu hướng đồng tính ở các con cái, khi chúng hình thành quan hệ gắn kết chống lại những con đực dùng vũ lực để cưỡng ép giao phối và cùng nhau chăm sóc con non [13].

Nhưng nếu sự phát sinh và duy trì của xu hướng tính dục đồng giới không phải chỉ để đáp ứng mục đích sinh sản thì sao? Giả như nó tồn tại vì là một phương tiện khác hữu ích cho sinh tồn?

Chúng ta có thể có câu trả lời, khi nhìn vào tập tính tình dục kỳ lạ của loài tinh tinh lùn bonobo. Những họ hàng linh trưởng gần của con người này dùng tình dục (gồm cả tình dục đồng giới) để trao đổi thức ăn và cải thiện quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng [14]. Nói cách khác, tình dục đồng giới đối với chúng lại là chất xúc tác tạo nên những gắn kết xã hội.

Điều tương tự có thể cũng xảy ra với loài người, biết rằng tính xã hội từ lâu đã trở thành một đặc trưng của loài chúng ta. Chẳng hạn hình thức cam kết tình dục đồng giới nam trước đây ở xã hội Hy Lạp cổ đại, nơi những người thầy giỏi chỉ đồng ý dạy bảo học trò khi phụ huynh cho phép con của mình sống riêng với thầy tại vùng hoang vắng trong một thời gian dài [15].

  1. Vài dòng cuối cùng.

Các giả thuyết này nhìn chung đều tồn tại những điểm cần được kiểm chứng và nhiều bằng cớ xác thực khác. Nhưng vấn đề ở đây là, nếu chỉ nhìn vào xu hướng tính dục đồng tính thông qua góc nhìn tiến hóa và sinh sản, chúng ta sẽ không bao giờ thoát khỏi cái bóng bí ẩn và đầy nghịch lý của hiện tượng này.

Quá trình tiến hóa không phải sự di truyền hoàn hảo tuyệt đối, mà còn có sự góp mặt của đột biến, trôi dạt di truyền và nhiều yếu tố khác (thực ra nếu di truyền quá hoàn hảo, sẽ không có tiến hóa). Đồng tính có thể không trực tiếp có lợi cho sinh sản, nhưng lại có thể mang tới những lợi ích gián tiếp khác, như các giả thuyết đã chỉ ra.

Và thực ra, nếu không phải là một đặc điểm có hại, chẳng có lý do gì tiến hóa phải loại bỏ nó. Hiện tượng đa hình cân bằng (tạm dịch từ balanced polymorphism), tức việc một alen có lợi ở tình huống này nhưng lại gây hại trong một bối cảnh khác là một ví dụ. Tồn tại loại alen gây ra căn bệnh thiếu máu hồng cầu hình lưỡi liềm khi ở thể đồng hợp, nhưng lại tạo ra sức đề kháng chống lại sốt rét khi ở thể dị hợp [16]. Tương tự, các alen “thích nam giới” tuy khiến nam giới giảm đi khả năng sinh sản, nhưng nếu được di truyền trong gia đình và rơi vào người nữ, lại dẫn đến việc người nữ đó có nhiều con cái hơn [17].

Thế nên, người đồng tính vẫn tồn tại, hiển nhiên như những người có mái tóc vàng óng chẳng để làm gì [18], hay bất kỳ tính trạng ngẫu nhiên nào khác không hẳn có nhiều ý nghĩa.

Chỉ là, người ta không bao giờ thắc mắc xem “tóc vàng có ý nghĩa gì”, nhiều như việc thắc mắc “đồng tính có ý nghĩa gì”.

Biết rằng thế giới này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều chỉ bằng cách mọi người chấp nhận sự tồn tại của đồng tính, cũng hiển nhiên như sự tồn tại của những người có tóc vàng.

References:
[1] Pheromone - Wikipedia
[2] http://www.sscnet.ucla.edu/.../downloads/ovulatoryshifts.pdf
[3], [4], [5] New Theory on Why Men Love Breasts | Breast Evolution | Live Science
[6] Secrets of Sexual Attraction | Psychology Today
[7] https://royalsocietypublishing.org/doi/10.1098/rstb.2015.0118
[8] Massive Study Finds No Single Genetic Cause of Same-Sex Sexual Behavior - Scientific American
[9] Study Reveals Potential Evolutionary Role for Same-Sex Attraction – Association for Psychological Science – APS
[10] The evolutionary paradox of homosexuality | BBC Science Focus Magazine
[11] The Evolution of Beauty - Wikipedia
[12] Aesthetic Evolution In The Animal World : 13.7: Cosmos And Culture : NPR
[13] How Sexual Selection Drove The Emergence Of Homosexuality
[14] Homosexuality may have evolved for social, not sexual reasons
https://www.frontiersin.org/articles/10.3389/fpsyg.2019.02955/full
[15] Pederasty in ancient Greece - Wikipedia
[16] Sickle Cell Anaemia and Malaria - PMC
[17] Sexually Antagonistic Selection in Human Male Homosexuality
Evidence for maternally inherited factors favouring male homosexuality and promoting female fecundity - PubMed
[18] The Genetics of Blond Hair | Science | AAAS

  • Artist: Sam.
  • Trans: Heinous.
  • Nguồn: MonstreBox