Thực ra đây là mấy thứ tui rảnh rỗi chém ra (cho vui) sau khi đọc xong 2 chương đầu cuốn Tại sao thầy bói nói đúng của tác giả Richard Wiseman (bớt nhàm chán cho ngày thứ 2 =))))
- Hiệu ứng Lake Wobegon: Bắt đầu bằng nhiều lời khen ngợi chung chung.
Mọi người hầu như đều thích nghe những lời khen ngợi, ví dụ như những câu: “Bạn là người rất nhạy cảm, biết lắng nghe”, “Bạn rất thông minh, không ai có thể giấu bạn điều gì”, …
- Hiệu ứng “Darthmouth Indians đối đầu với Princeton Tigers”: Mọi người đều nhìn thấy điều họ muốn thấy.
Thầy bói sẽ đưa ra một nét tính cách, rồi lại nhắc đến một nét tính cách khác đối lập với nó (“vừa nhạy cảm lại vừa thực tế, và mặc dù nhiều người cho rằng bạn hay xấu hổ nhưng thực ra bạn không hề e ngại nói ra suy nghĩ của mình”). Người nghe thường sẽ chỉ đặc biệt nhớ những nét mà họ tin là đúng với mình và bỏ qua phần thông tin sai lệch.
- Hiệu ứng “Tiến sĩ Fox”: Nói những câu vô nghĩa, và người nghe sẽ tự tìm ý nghĩa cho nó.
Ở trong đúng ngữ cảnh, con người rất nhuần nhuyễn trong việc vô thức hiểu được ngay lập tức ý nghĩa của những thứ tưởng chừng vô nghĩa. Đôi lúc quá trình này hoạt động quá tốt đến mức bạn nhìn thấy được ý nghĩa bên trong những thứ vốn dĩ không hề có ý nghĩa nào cả, như khi bạn nhìn thấy đủ mọi hình dạng trong những vết mực, đám mây hay vết bẩn trên tường. Điều tương tự cũng xảy ra trong giao tiếp, bạn cố ý hiểu những câu vô nghĩa của người nói thành có ý nghĩa. Các thầy bói rất hay sử dụng thủ thuật này.
- Chiến thuật “Mồi nhử”: “Thả” những lời bình luận nhỏ và theo dõi phản ứng của đối phương.
Đối thoại là một tương tác hai chiều trong đó người nghe luôn luôn phản hồi lại người nói. Để cho đối phương biết là mình đã hiểu hay để thể hiện sự đồng tình, người nghe thường sẽ phản ứng bằng cách gật đầu, mỉm cười hay nói “Đồng ý”. Hoặc để thể hiện là họ đang băn khoăn hay không đồng tình, người nghe có thể tỏ ra bối rối, lắc đầu. Người nghe cũng thường trở nên tập trung, nghiêm túc hơn khi nghe nhắc đến vấn đề đang khiến họ quan tâm. Các thầy bói rất giỏi nắm bắt những biểu hiện này, và sẽ khai thác sâu vào những điều mà họ cảm thấy là quan trọng với bạn.
- Ảo tưởng về sự độc nhất: Bạn có thể nghĩ rằng bạn không giống ai cả, nhưng sự thật thì tất cả chúng ta đều giống nhau một cách đáng ngạc nhiên và vì thế đều rất dễ đoán.
Nhiều thầy bói sử dụng những bình luận mà có vẻ đúng với rất nhiều người để hỗ trợ cho phần diễn giải của mình. Họ có thể nói rằng họ có ấn tượng về một ai đó có vết sẹo ở bên đầu gối trái (đúng với một phần ba dân số thế giới), có một người anh em trong gia đình không hợp tính (đúng với hơn nửa dân số thế giới), có một chiếc chìa khóa mà không biết nó để mở cái gì, hay có một đôi giày ở trong tủ giày mà họ sẽ không bao giờ đi lại nữa. Các thầy bói càng nhiều kinh nghiệm sẽ càng có nhiều câu hầu như luôn đúng như thế này. Ai mà chả nghĩ rằng bản thân mình thật đặc biệt, rằng những nhận định này không thể chính xác với những người khác, vì thế họ sẽ cảm thấy vô cùng ấn tượng.
- Phương án dự phòng cho những lời phán sai, hay cách chữa cháy của các thầy bói.
Các thầy bói có nhiều “cách” để giúp họ tránh khỏi thất bại triệt để. Cách phổ biến nhất là mở rộng một câu nói đã được khẳng định là không chính xác. Ví dụ khi câu nói “Bạn có một người anh em không hợp tính” bị xác nhận là sai (“Tôi là con một”), họ sẽ mở rộng thành “Đó có thể là một người anh em họ, hoặc một người bạn trước đây từng thân thiết nhưng giờ thì không còn nữa”. Đến lúc này thì rất hiếm khi sai.
Cách thứ 2 là chuyển khó khăn sang cho người khác: “Vừa rồi có lẽ bạn đã không tập trung”, “Lúc về nhà bạn hãy nghĩ kĩ xem”, …
Cuối cùng là mẫu câu cũ rích nhưng luôn hiệu quả: “Những gì tôi nói đều mang tính ẩn dụ”.